Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đêm 6/11, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trời đổ mưa lớn và gió vẫn giật mạnh. Nhiều người dân ở vùng ven biển di tản đến những ngôi nhà cao tầng chắc chắn để trú ẩn.

 Lúc 17h30 ngày 6/11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát đi thông tin có thể áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão số 13 nhưng hoàn lưu của nó gây mưa to, có nơi rất to.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính đến 13h ngày 06/11 phổ biến khoảng 40 - 100mm, một số nơi có lượng lớn hơn 150mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 158mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 152mm, Nam Đông (Huế) 205mm.
Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 7, ở Cam Ranh (Khánh Hòa) có gió giật mạnh cấp 6.
Lúc 16h ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,6 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 - 61 km/h), giật cấp 8.


Người dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) tập trung về nhà Văn hóa huyện để tránh bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến 4 giờ ngày 07/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,8 độ vĩ bắc; 105,8 độ kinh đông, trên khu vực đất liền miền Tây Nam bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 - 49 km/h), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận có gió giật mạnh cấp 7 - 8. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6 - 7. Từ gần sáng mai (7/11), vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió giật mạnh cấp 6 - 7. Biển động.
Ở các tỉnh Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5 - 4m.
Ngoài ra, lúc 16h ngày 6/11, bão Haiyan có vị trí ở vào khoảng 7,7 độ vĩ bắc; 137,2 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 - 30km/h và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 8/11, cơn bão này có khả năng đi vào biển đông. 
Khẩn cấp cấm tàu trước bão số 13 
Lúc 5h sáng ngày 6/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM ra công điện khẩn cấp về việc cấm đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến trước diễn biến của cơn bão số 13.
Công điện yêu cầu Sở GT-VT và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến hoạt động kể từ 9h ngày 6/11 cho đến khi có lệnh mới. Thông báo cho các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của cơn bão số 13 để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó bão; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão.
Công an TP, Sở GTVT chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng còn đang hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn, mưa bão gây ra.
Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát PCCC và Công an TP duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.
Hàng chục ngàn dân miền Nam sẽ di dời tránh bão
Tại TP.HCM, trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 13, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã yêu cầu các đơn vị, sở ngành, quận huyện triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng tránh, không được chủ quan. Đặc biệt ông Liêm yêu cầu UBND huyện Cần Giờ lên phương án di dời 2.000 người dân tại xã đảo Thạnh An và khu vực trũng thấp trên địa bàn huyện khi có yêu cầu.
Sáng 6/11, ông Lê Thanh Liêm trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống ứng phó với bão số 13 cũng như công tác di dời dân trên địa bàn huyện Cần Giờ. Cũng theo ông Liêm, nếu tình hình hôm nay tại TP.HCM có mưa, dông lớn do ảnh hưởng của bão sẽ tiến hành cấm các phương tiện đường thủy hoạt động cho đến thời điểm an toàn.
Ngoài khả năng xảy ra dông gió, ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam, bộ cảnh báo TP.HCM có khả năng bị ngập nặng khi bão gây mưa lớn cộng với triều cường đạt đỉnh.
Các tỉnh phía Nam kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão
Tại Tiền Giang, ngày 6/11, ông Nguyễn Thiện Pháp, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Tiền Giang, cho biết đã liên lạc với 537 tàu đánh bắt xa bờ và 168 tàu gần bờ để thông báo tình hình của bão và hướng dẫn vào nơi trú ẩn an toàn.
Lãnh đạo tỉnh, huyện đang có mặt tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, thị xã Gò Công chỉ huy việc di dời dân, kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Tỉnh chủ trương không di dời dân hàng loạt mà vận động dân tự di dời đến nơi an toàn. Đối với các hộ dân sống ngoài đê, ven biển sẽ được nhắc nhở di dời và sẵn sàng cưỡng chế khi cần thiết.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, phó trưởng phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang, cho biết khu vực ven biển có khoảng 35 bến đò, bến phà nằm trong diện nguy hiểm trong trường hợp có bão.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết huyện còn tới 39% hộ nghèo, chủ yếu ở 3 xã đầu sóng ngọn gió, nhà cửa tạm bợ. Nếu bão vào thì rất nguy hiểm. Huyện chuẩn bị di dời hơn 10.000 dân đến nơi an toàn để tránh bão.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, theo chỉ đạo của Ban phòng chống lụt bão tỉnh sáng 6/11, đoàn công tác thuộc Ban chỉ huy đi đến các địa phương để phối hợp kiểm tra các phương án phòng chống lụt bão.
Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết để chủ động đối phó với cơn bão số 13, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã gửi công điện khẩn tới các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố yêu cầu các địa phương thông tin thường xuyên về tin bão qua mọi phương tiện để nhân dân biết và chủ động phòng tránh. Các địa phương thực hiện việc sơ tán dân cư các vùng có nguy cơ cao ven biển. Tàu chở khách, chở hàng hóa ngưng hoạt động.
Tàu tránh bão tại khu vực bờ biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đại tá Đào Quang Hiển, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngay trong sáng 6/11 đã kêu gọi được 3.199 tàu và 17.098 ngư dân vào các cảng, bến để tránh trú bão. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã liên lạc được với toàn bộ 1.915 tàu còn đang đánh bắt xa bờ để hướng dẫn cách tránh trú bão.
Tâm bão từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,3 độ vĩ bắc; 112,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 410 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 - 61km/h), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 25 - 30 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 16h hôm nay (6/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ vĩ bắc; 109,6 độ kinh đông, trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 - 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.
Hướng di chuyển của bão số 13 (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương).
Trong khoảng 12 - 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam mỗi giờ đi được 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh nam Trung bộ và Nam bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dự kiến đến 4h ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,1 độ vĩ bắc; 106,2 độ kinh đông, trên vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức từ 39 - 49km/h), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào vịnh Thái Lan và có khả năng mạnh trở lại thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa ngày hôm nay có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
Từ chiều nay, vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Nam bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Từ đêm nay, vùng biển Cà Mau, Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.
Dự báo ở các tỉnh nam Trung bộ, nam Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5 - 4 m. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trọng tâm ảnh hưởng của bão số 13 là các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với bão số 13, Bộ trưởng NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh vùng tâm bão từ Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu phải di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước 19h ngày hôm nay (6/11).
Theo Tri Thức

0 comments:

Post a Comment

 
Clip hai hay © 2013. All Rights Reserved. Powered by Mr.Bùi Tư
Top