Đạt giải Nhì quốc gia môn Lịch sử, Lý Thị Hoàn là học sinh Xa Phó đầu tiên của tỉnh Yên Bái được tuyển thẳng vào đại học với thành tích học sinh giỏi. Hoàn cũng là thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất năm 2013 của Trường THPT Dân tộc nội trú Yên Bái.

Từ cô bé chăn trâu ham học
PV gặp Lý Thị Hoàn ở sân trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi em đang chăm chú đọc cuốn sách Lịch sử mới mua được ở tiệm sách cũ. Cô học trò Xa Phò giờ đã là sinh viên lớp K63 Chất lượng cao, khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội. Hoàn bảo: “Em đang đợi cấp thẻ thư viện nên giờ thiếu cuốn sách nào em lại tới các tiệm sách cũ trên đường Láng tìm mua để tiết kiệm tiền chứ em đi học xa như thế này bố mẹ đã tốn kém thêm nhiều rồi”.
Xuống Hà Nội học, Hoàn ở chung với chị gái đang làm thuê trong một tiệm cơm cách trường chục cây số. “Anh chị chủ cửa hàng tốt lắm, cho chúng em ở nhờ trên gác xép mà không lấy tiền, lại cho em ăn cơm miễn phí nữa”, Hoàn kể. Hàng ngày em phải dậy từ sớm tinh sương để kịp 5h chờ xe buýt đi học. Đi học về, có thời gian rỗi, em lại phụ chị một vài việc đơn giản.
 

Em Lý Thị Hoàn.
Nhà Lý Thị Hoàn thuộc diện hộ nghèo ở thôn Lẫu Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái). Gia đình em là gia đình thuần nông, ban đầu chỉ độc canh cây lúa, sau này mới mở rộng thêm làm nương sắn nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng khác với những gia đình trong thôn thấy con gái lớn là gả chồng, dù khó khăn thế nào, ông Lý Văn Hùng và bà Đặng Thị Sinh vẫn chăm lo cho ba con ăn học.
Hiểu được tấm lòng cha mẹ, từ bé Hoàn đã học hành chuyên cần. Ngoài giờ học, em phụ giúp cha mẹ đi chăn trâu, làm cỏ sắn, trông chòi canh vào mùa gặt,…
Với thành tích học tập tốt trong suốt những năm tiểu học, Hoàn được tuyển thẳng vào hệ trung học cơ sở của trường Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Văn Yên cách xa nhà 40 km. Trong khi nhiều bạn khóc nhè, có bạn đòi nghỉ học vì nhớ nhà thì cô bé 11 tuổi Lý Thị Hoàn khi ấy lại rất gan lì và thích nghi với cuộc sống tự lập một cách nhanh chóng.
Chính bởi sự hoạt bát và tự tin, năng nổ mà Hoàn được thầy cô và bạn bè tín nhiệm phân công làm Lớp phó phụ trách học tập và Liên đội phó. Bốn năm học tại trường, em tiếp tục giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, năm học lớp 9, Hoàn đạt giải Khuyến Khích cấp tỉnh môn Anh Văn và thi đỗ vào trường THPT DTNT tỉnh Yên Bái. Lúc này nhà cách xa trường cả trăm cây số nên chỉ những dịp lễ, tết Hoàn mới được về thăm nhà. Em chuyên tâm học tập để bố mẹ yên tâm.
Khi phát hiện khả năng và niềm đam mê của cô học trò nhỏ với bộ môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa đã chọn Hoàn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi. Không phụ sự kì vọng của cô giáo và gia đình, năm lớp 11, Hoàn đạt giải Nhì cấp tỉnh và được “vượt cấp” đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Trong thời gian ôn thi, buổi sáng Hoàn vẫn theo học chính khóa ở trường THPT DTNT, buổi chiều Hoàn học đội tuyển cùng các bạn ở trường THPT chuyên Yên Bái. “Lúc đó, em tự nhủ mình chỉ được học kiến thức Lịch sử cơ bản trong khi các bạn trường chuyên được học nâng cao thì đã hơn mình một bậc rồi. Bây giờ mình lại là thành viên đại diện cả tỉnh đi thi, mình lại càng phải cố gắng hơn nữa”, Hoàn kể. Năm đó Hoàn đạt giải Khuyến Khích cấp quốc gia.
Đến giải Nhì học sinh giỏi quốc gia
Với tinh thần cầu thị, Hoàn chăm xem phim tư liệu, nghiên cứu các sơ đồ chiến dịch và hay lui tới thư viện trường, Bảo tàng Yên Bái để tìm hiểu thêm kiến thức. Nhờ vậy, năm lớp 12, Hoàn tiếp tục đạt giải Nhất cấp tỉnh và xuất sắc đạt giải Nhì cấp quốc gia.
Hoàn kể: “Ngoài sách giáo khoa, mỗi khi mua tài liệu chuyên sâu, em đều tham khảo ý kiến của cô giáo vì hiện nay trên thị trường, nhiều cuốn sách có quan điểm trái chiều nhau và không phải cuốn nào cũng đảm bảo chất lượng. Em may mắn được học cô Hoà, trường em chỉ được biên chế 1 giáo viên dạy Lịch sử nên cô phải đảm trách tất cả các khối, lớp nhưng cô làm việc không biết mệt mỏi. Ngoài giờ học chính khoá, cô còn nhiệt tình phụ đạo kiến thức cho chúng em các buổi tối. Phương pháp sư phạm của cô theo hướng mở, mỗi khi đưa ra một vấn đề, cô cho chúng em trình bày quan điểm của mình rồi mới xâu chuỗi lại. Bạn nào chưa hiểu bài, gọi điện cho cô, cô còn tắt máy đi gọi lại để phân tích cho tới khi hiểu”.
 
Lý Thị Hoàn (người đeo kính) tại Lễ tuyên dương và trao thưởng
Lý Thị Hoàn (bên trái) tại lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Khi được hỏi về kinh nghiệm học Lịch sử, Hoàn cho biết: “Em thường ghi bài theo vấn đề trọng tâm, có đề mục chính và các khung vấn đề nhỏ. Từ bài giảng của cô giáo, em đọc nhiều lần để hiểu vấn đề và chuyển thành cách diễn đạt của riêng mình. Với các mốc thời gian, em liên tưởng lại bối cảnh buổi học hoặc kết nối với ngày sinh nhật của người thân, bạn bè cho gần gũi, dễ nhớ”.
Phương pháp tư duy khoa học đó cũng giúp Hoàn đạt 52,5 điểm (chưa kể điểm cộng) trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012-2013, trở thành thí sinh có điểm thi cao nhất toàn trường.
 
Nói về dự định của mình, Hoàn cho biết thời gian sắp tới em sẽ đi học thêm tiếng Anh và tiếp tục trau dồi kiến thức Lịch sử, đặc biệt là Lịch sử địa phương. “Ngày nay, những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Xa Phó ngày càng ít đi, bộ váy áo của em cũng là từ thời bà ngoại để lại, để mua mới phải lên Lào Cai mua với giá rất đắt, người biết làm và thổi sáo mũi điêu luyện giờ cũng chỉ có bác Đặng Thị Thanh. Là một sinh viên Sư phạm chuyên ngành Lịch sử, em càng hiểu rõ trách nhiệm phải tìm hiểu và bảo tồn, giữ gìn những bản sắc văn hoá của dân tộc mình”, cô sinh viên trẻ tuổi trăn trở.
 
Với những thành tích đạt được, vừa qua, Lý Thị Hoàn đã được tham dự Lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh đạt giải Nhất - Nhì - Ba quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và lễ trao giải Hoa Trạng Nguyên 2013. Ngày 16/11 tới đây, Hoàn sẽ được nhận học bổng tại “Lễ biểu dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013” do Uỷ ban Dân tộc trao tặng.
 
Phương Nhung

0 comments:

Post a Comment

 
Clip hai hay © 2013. All Rights Reserved. Powered by Mr.Bùi Tư
Top